Cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (VNM) đã mất gần 10% trong vòng 1 tháng trở lại đây, liệu vùng giá 120.000 đồng/cổ phiếu có phải là đáy?
Điều chỉnh VNM đã diễn ra gần 1 tháng
Tuần qua, VN-Index giảm trên 3% trong đó VNM là một trong những cổ phiếu đóng góp vào quá trình điều chỉnh này. Tính từ phiên 7/11, VN-Index đã giảm 4,5% xuống 977,78 điểm.
Tuy nhiên, thực tế VNM đã bước vào nhịp điều chỉnh mạnh từ trước đó khá lâu. Theo thống kê, VNM đã suy giảm kể từ sau khi tạo được đợt tăng ngắn, lên mức giá 134.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 25/10. Cho đến phiên ngày thứ Sáu vừa qua, VNM đã giảm gần 10% xuống 121.500 đồng/cổ phiếu.
Nhịp điều chỉnh này của VNM khiến thị giá thủng mất vùng MA200 về lại vùng hỗ trợ gần nhất là 120.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù vẫn còn khả năng bị nhúng dưới ngưỡng này nhưng trong phiên giảm cuối tuần vừa qua, bất chấp VN-Index thụt sâu, khối lượng giao dịch của VNM chỉ còn khoảng 70% khối lượng bình quân 60 phiên gần nhất, đạt 720 nghìn đơn vị. Điều này đã phần nào cho thấy, người bán đã ngập ngừng hơn trong việc bán ra.
Trước mắt, kịch bản lý tưởng là VNM có thể hình thành mô hình 2 đáy ở vùng giá 120.000 đồng/cổ phiếu rồi hồi phục trở lại từ đây, qua đó giúp cho VN-Index lấy lại xu hướng tích cực thay vì bước vào giai đoạn suy giảm tiêu cực.
Ông vua ngành sữa vẫn còn nhiều tham vọng
Doanh thu thuần hợp nhất của Vinamilk đạt 14.291 tỷ đồng trong quý III/2019 và 42.079 tỷ trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng lần lượt 4% và 6,4% so với cùng kỳ 2018 và hoàn thành 75% kế hoạch cả năm.
Mảng kinh doanh nội địa đạt doanh thu thuần 12.184 tỷ trong quý III/2019 và 35.821 tỷ trong 9 tháng, tăng trưởng lần luợt 4,5% và 5,8% so với cùng kỳ.
VNM cho biết, tăng trưởng sản lượng dẫn dắt bởi một số dòng sản phẩm chủ lực với mức tăng trưởng cao hai chữ số. Bên cạnh đó, một số dòng sản phẩm cao cấp cũng ghi nhận mức tăng trưởng rất ấn tượng, cho thấy hướng đi phù hợp của Vinamilk trong chiến lược cao cấp hóa danh mục sản phẩm.
Hiện Vinamilk cũng đã trúng thầu chương trình sữa học đường với hơn 15 tỉnh thành (bao gồm thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.Hồ Chí Minh) trong số 17 tỉnh thành đã tham gia chương trình thông qua hình thức đấu thầu công khai.
Mảng xuất khẩu trực tiếp đạt doanh thu thuần 1.291 tỷ trong quý III/2019, giảm 1,1% so với cùng kỳ, và 3.524 tỷ trong 9 tháng 2019, tăng 8,2% so với cùng kỳ. Mức giảm nhẹ của quý III/2019 là do doanh thu xuất khẩu đã tăng rất mạnh trong quý III/2019 (+22,6%). Tuy nhiên, so với mức giảm 2,1% trong 9 tháng 2018, kết quả tăng trưởng cao một chữ số trong 9 tháng 2019 vẫn đánh dấu sự phục hồi đáng kể của thị trường Trung Đông, hiện đang chiếm hơn 85% doanh thu xuất khẩu trục tiếp.
Mảng chỉ nhánh nước ngoài đạt doanh thu thuần 816 tỷ trong quý III/2019 và 2.735 tỷ trong 9 tháng, tăng trưởng lần lượt 6% và 12,4% so với cùng kỳ. So với mức tăng 6% trong 9 tháng 2018, tăng trưởng sản xuất nước ngoài được cải thiện nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng của Angkor Milk với doanh thu tăng hơn 35% so với cùng kỳ. Hiện tại nhà máy sữa Angkor là nhà máy sữa duy nhất tại Campuchia, tạo ra lợi thế lớn cho Vinamilk trong việc đa dạng hóa nguồn cung sản phẩm. Trong khi đó, doanh thu của nhà máy Driftwood tại Mỹ trong 9 tháng 2019 chưa có sự tăng trưởng đáng kể.
Mặc dù giá nguyên liệu bột sữa nhập khẩu có tăng so với cùng kỳ nhưng đã được bù đắp nhờ chi phí nguyên liệu đường và dầu bơ khan thấp hơn đã giúp cho biên lợi nhuận gộp của VNM tăng 0,64% lên 47,3%. Qua đó giúp cho lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 8.378 tỷ đồng, tăng trưởng 5,8%. Riêng quý III/2019, lợi nhuận sau thuế đạt 2.677 tỷ đồng, tăng trưởng 4,5%.
Thị trường sữa trong nước đang được đánh giá là bão hòa, VNM vẫn đang thể hiện các tham vọng mở rộng thêm thị phần sữa. Công ty từng bước xúc tiến việc thôn tính GTN để giành lấy quyền sở hữu sữa Mộc Châu. Ngày 06/11 vừa qua, VNM đã mua thành công 6,6 triệu cổ phiếu GTN, nâng sở hữu tại CTCP GTNFoods (GTN) lên mức 43,17%.
Cùng với đó, nỗ lực tăng trưởng của VNM còn được thể hiện qua “Chương trình ra mắt sản phẩm sữa Việt Nam tại Trung Quốc” vào tháng 9/2019. Triển vọng xuất khẩu của VNM tại thị trường 1,4 tỷ dân thông qua phân phối của chuỗi siêu thị lớn như Hema của Alibaba, Dennis Department Store… sẽ giúp cho VNM đạt được kế hoạch tăng cơ cấu xuất khẩu sữa lên 25% vào 2021-2022.
MAI HƯƠNG
Theo BizLive