Doanh nghiệp vốn 5 tỷ huy động 1.400 tỷ đồng trái phiếu từ nước ngoài với lãi suất “trên trời”

0
209

Lãi suất phát hành thực tế của đợt phát hành này lên đến 20%/năm, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung từ 9,5 – 11,5% hiện nay.

Huy động được hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu với lãi suất kỷ lục

CTCP Đầu tư Thương mại Hồng Hoàng mới đây đã thông báo hoàn tất đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành hơn 1.402 tỷ đồng. Các trái phiếu có kỳ hạn 5 năm và được bán toàn bộ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Lãi suất phát hành thực tế của đợt phát hành này lên đến 20%/năm, cao bất thường so với mặt bằng chung từ 9,5 – 11,5% hiện nay. Mức lãi suất này bỏ xa những mức lãi suất vốn khá cao khác như 14,5% của trái phiếu Phát Đạt hay 13% của Pharmacity.

Đáng chú ý, Hồng Hoàng được thành lập năm 2016 với vốn điều lệ chỉ 5 tỷ 20 triệu đồng, người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Khánh Hồng. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp đầu tiên một doanh nghiệp “lạ lẫm” huy động được hàng nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu.

Trước đó vào đầu năm 2019, Công ty TNHH Yamagata (Yamagata) đã tiến hành 5 đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm với số dư gốc trái phiếu lên tới 10.035 tỷ đồng. Tổng dư nợ trái phiếu của công ty này theo báo cáo đã tăng lên 15.902 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6 vừa qua.

Theo thống kê của Sở GDCK Hà Nội, trong tháng 10 có 132 đợt đăng ký phát hành trái phiếu của 34 doanh nghiệp với tổng giá trị đăng ký lên tới 32,3 nghìn tỷ đồng.

Hồng Hoàng đã mua toàn bộ 32,2 triệu cổ phiếu quỹ mà ACB bán ra?

Một ngày sau khi Hồng Hoàng hoàn tất phát hành trái phiếu, vào ngày 30/10, thị trường xuất hiện một loạt các giao dịch thỏa thuận số lượng lớn cổ phiếu ACB tại mức giá 23.800 đồng/cổ phiếu với tổng giá trị tương ứng 1.446 tỷ đồng.

Tổng khối lượng giao dịch của các thỏa thuận trên lên đến 60,77 triệu đơn vị, đúng bằng số lượng cổ phiếu ACB mà Hồng Hoàng đang nắm giữ. Trong đó bao gồm 3 lệnh với tổng khối lượng 35,2 triệu đơn vị, tương đương số cổ phiếu quỹ mà ACB bán ra. Không loại trừ khả năng, Hồng Hoàng chính là bên mua trong đợt bán cổ phiếu quỹ vừa qua của ACB.

Ngày 01/11/2019, hơn 60,77 triệu cổ phiếu ACB do công ty Hồng Hoàng sở hữu đã được dùng làm tài sản bảo đảm với bên nhận đảm bảo là Saigon Asia Credit Limited. Do đó nhiều khả năng Saigon Asia Credit Limited chính là trái chủ của số trái phiếu trên.

Như vậy, một giả thiết đặt ra, toàn bộ số tiền huy động được từ phát hành trái phiếu đã được Hồng Hoàng sử dụng để mua thỏa thuận cổ phiếu ACB sau đó dùng chính số cổ phiếu này làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu nói trên?

Với thị giá ACB kết thúc ngày 12/11 với 24.700 đồng/cổ phiếu, tài sản bảo đảm (bằng lượng cổ phiếu nói trên) ước tính có giá trị hơn 1.500 tỷ đồng, cao hơn đôi chút so với giá trị trái phiếu phát hành.

Một điểm đáng quan tâm chính là nguồn thu của Hồng Hoàng dồi dào như thế nào để có thể đáp ứng mức lãi suất kỷ lục 20%/năm, tương ứng số lãi phải trả hàng năm lên đến gần 290 tỷ đồng. Với việc ACB có “thói quen” trả cổ tức bằng cổ phiếu trong nhiều năm trở lại đây, Hồng Hoàng có lẽ phải trông vào những nguồn thu khác.

THANH HÀ – Bizlive