Ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất cho vay, “hồi cố” cho dư nợ cũ

0
227

Đây cũng là lần đầu tiên việc giảm lãi suất cho vay mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp, chứ không giới hạn ở 5 nhóm ưu tiên như các lần trước đây.

Chiều 18/11, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố quyết định giảm lãi suất cho vay VND đối với các khách hàng doanh nghiệp.
Mức giảm lãi suất 0,5%/năm được Vietcombank áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp vay vốn, với dư nợ VND hiện hữu.

Như vậy, đây là lần đầu tiên chính sách giảm lãi suất cho vay của ngân hàng này mở rộng và áp dụng cho tất cả doanh nghiệp, thay vì chỉ áp dụng với 5 nhóm khách hàng thuộc các lĩnh vực ưu tiên trong hai lần giảm trước trong năm 2019.

Trước đó, từ đầu năm 2019 nhóm ngân hàng thương mại lớn có hai đợt thực hiện giảm lãi suất cho vay VND ngắn hạn, nhưng chủ yếu chỉ áp dụng cho nhóm 5 lĩnh vực ưu tiên.

Ngoài ra, điểm đáng chú ý, lần giảm lãi suất này Vietcombank “hồi cố” cho cả các khoản dư nợ đã có từ ngày 01/11/2019. Mức giảm 0,5%/năm áp dụng cho đến ngày 31/12/2019.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ có định hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong năm 2020, cũng như Ngân hàng Nhà nước có chủ trương, Vietcombank đã cân đối lại tài chính và thực hiện giảm trước định hướng trên 2 tháng (tháng 11 và 12/2019).
Mức giảm lãi suất trên được áp dụng trên khoảng 320.000 tỷ đồng dư nợ của Vietcombank và ước tính làm giảm khoảng 260 – 300 tỷ đồng lợi nhuận trong hai tháng cuối năm.

Tuy nhiên, ông Thành cho biết, sau khi nâng cao chất lượng tín dụng và giảm dần chi phí trích lập dự phòng, cũng như giảm thiểu chi phí hoạt động, Vietcombank giảm được lãi suất cho vay nhưng vẫn đảm bảo kế hoạch lợi nhuận năm nay.

“Khi xét thấy có điều kiện thì ngân hàng cần nghĩ đến những đối tác đồng hành với mình. Qua ba đợt giảm lãi suất cho vay năm nay, Vietcombank tiếp tục thể hiện cam kết luôn áp mặt bằng lãi suất cho vay thấp nhất thị trường, thực hiện định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh”, ông Nghiêm Xuân Thành nói, cũng như cho biết hiện ngân hàng vẫn còn khoảng 5% dư địa tăng trưởng tín dụng đến kết năm.

Như vậy, sau khi lãi suất huy động có tín hiệu giảm tại một số ngân hàng thương mại thời gian gần đây, thị trường đã đón trường hợp đầu tiên công bố giảm lãi suất cho vay.

Vừa qua, tại diễn đàn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu định hướng: hệ thống ngân hàng phấn đấu tiếp tục giảm thêm 0,5%/năm lãi suất cho vay trong năm 2020.

MINH ĐỨC – BizLive